A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào Bình Gia - 80 năm xây dựng và phát triển.

          Bình Gia là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, đã trải qua 80 năm xây dựng và phát triển. Vượt qua mọi khó khăn thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Gia luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, viết nên những trang sử hào hùng của quân và dân huyện nhà, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Ngày 19/4/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, quân và dân các dân tộc huyện Bình Gia đã đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phong trào cách mạng của huyện và tỉnh Lạng Sơn, mà còn góp phần cho thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với những thành tích xuất sắc trong các thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Năm 2003, Chủ tịch nước đã tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện. Đồng thời, cũng vinh dự nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, và Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2024, huyện Bình Gia và 08 xã được công nhận là vùng ATK, xã ATK, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã khẳng định vị thế và sức mạnh của vùng đất Bình Gia anh hùng.

 CUỘC KHỞI NGHĨA DÀNH CHÍNH QUYỀN 19/4/1945.

          Từ năm 1930 đến năm 1938, dưới sự vận động và tổ chức của Đảng, phong trào cách mạng ở Lạng Sơn phát triển mạnh mẽ. So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Bình Gia sớm có điều kiện thuận lợi để tiếp cận nhanh chóng với phong trào cách mạng, trở thành một trạm giao liên quan trọng, nơi tiếp nhận sự hoạt động và đi lại thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ.

          Tuy nhiên, từ cuối năm 1939, thực dân Pháp đã gia tăng bộ máy thống trị, tiến hành đàn áp, khủng bố và bắt bớ các chiến sĩ cách mạng, bóp nghẹt quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Chính sách áp bức và bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã khiến cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân trở nên cùng cực. Song, điều đó không thể ngăn cản phong trào đấu tranh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

          Cuối năm 1940, đồng chí Chu Văn Tấn, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, đã đến xóm Lũng Nọi (nay là khối phố 6A thị trấn Bình Gia) và thôn Pá Nim (nay là khối phố Pá Nim, khối phố Tân Thành) để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng và xây dựng cơ sở quần chúng trung kiên cho hoạt động của Cứu quốc quân. Từ đó, phong trào cách mạng ở Bình Gia phát triển mạnh mẽ, lực lượng tham gia ngày càng đông đảo và trình độ giác ngộ của quần chúng ngày càng được nâng cao.

          Vào cuối tháng 2/1945, đồng chí Dương Quốc Vinh, cán bộ Cứu Quốc quân, cũng đã được phân công đến Bình Gia để thúc đẩy phong trào. Đến tháng 3 năm 1945, Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta,” được sự chỉ đạo kịp thời của Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Ngày 20/3/1945, Trung đội vũ trang đầu tiên của Bình Gia được thành lập tại Nà Mặn, thôn Bản Cù (Hoa Thám) với 36 chiến sĩ, do đồng chí Hà Tân Cương và đồng chí Hà Khai Lạc chỉ huy.  Ngay từ ngày thành lập, Trung đội vũ trang đã nhanh chóng tiến quân lên Hưng Đạo tiêu diệt bọn Mật Thám tay sai, kêu gọi quần chúng tham gia giành chính quyền. Từ ngày 21 đến 27/3 năm 1945, từ xã Hoa Thám Trung đội vũ trang đã tiến công qua các xã Hưng Đạo, Quý Hòa, Yên Lỗ, Quang Trung, Minh Khai, phối hợp với quần chúng cách mạng, tiêu diệt chính quyền tay sai Pháp - Nhật. Ngày 18/4/1945, tiến công đánh chiếm đồn Văn Mịch, Hồng Phong, thu 50 tấn thóc, 13 khẩu súng các loại. Sáng sớm ngày 19/4/1945, cùng với hai đội vũ trang giải phóng, quần chúng cách mạng ở các xã đồng loạt tiến vào Châu lỵ, tấn công đồn Bình Gia. Tại cuộc mít tinh, trước đông đảo quần chúng, đồng chí Dương Quốc Vinh và đồng chí Hà Tân Cương, thay mặt Ban Chỉ huy khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến và kêu gọi nhân dân toàn huyện tiếp tục đứng lên bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được. Châu lỵ Bình Gia được giải phóng hoàn toàn.

NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC HUYỆN BÌNH GIA ĐÓNG GÓP SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA VÀO 2 CUỘC KHÁNG CHIẾN VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

          Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lạng Sơn và huyện Bình Gia nói riêng, đã bước vào một thời kỳ đầy cam go nhưng cũng tràn đầy khát vọng. Cùng với cả nước, nhân dân nơi đây đã khẩn trương đấu tranh để bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, từng bước ổn định đời sống và chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống  thực dân Pháp.

Nhãn

 

          Tháng 4/1946, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập, gồm ba đảng viên: Hà Tân Cương, Trương Mạnh Đức và Trương Lạc Dương, do đồng chí Hà Tân Cương làm Bí thư. Từ chi bộ nòng cốt này, công tác phát triển Đảng đã nhanh chóng lan rộng ra khắp huyện. Đến ngày 5/5/1947, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã triệu tập hội nghị các Chi bộ huyện Bình Gia tại trường học Văn Mịch, nơi đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời, do đồng chí Nông Giang Nam làm Bí thư. Từ đó, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, Nhân dân các dân tộc Bình Gia đã được Đảng bộ huyện lãnh đạo toàn diện, cho đến nay đã trải qua 23 kỳ đại hội.

          Trong kháng chiến, Bình Gia đã đóng vai trò quan trọng là một căn cứ địa vững chắc của tỉnh Lạng Sơn. Với địa hình hiểm trở và sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhân dân, huyện đã là nơi tập trung lực lượng kháng chiến và tổ chức nhiều chiến dịch quan trọng. Tinh thần kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân địa phương dâng cao, thể hiện rõ nét qua khẩu hiệu nổi bật trên vách đá Bó Khé, xã Mông Ân vào đầu năm 1947. Tinh thần bất diệt của nhân dân, kết hợp với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành vũ khí tinh thần, kim chỉ nam cho mọi hoạt động kháng chiến.

          Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bình Gia không chỉ là căn cứ an toàn mà còn là nơi diễn ra các hoạt động hậu cần, cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí cho các chiến sĩ. Tại các thôn Bản Đao và đình Nà Đồng, xã Tân Văn, đã diễn ra đại hội lần thứ nhất và thứ hai của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, khẳng định vai trò then chốt của huyện trong cuộc kháng chiến. Trong suốt quá trình kháng chiến Chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Biên giới, quân và dân các dân tộc huyện Bình Gia đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của góp phần chi viện cho tiền tuyến, làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhãn

 

          Tiếp nối truyền thống về trang sử vẻ vang hào hùng của ngày GPBG huyện Bình Gia trong 80 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc Bình Gia đã nỗ lực cống hiến sức người, sức của, góp phần cho thành công của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt nam XHCN.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, QUYẾT TÂM XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NGÀY THÊM GIÀU ĐẸP!

Trải qua chặng đường 80 năm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bởi các điều kiện khách quan và chủ quan của một huyện nghèo miền núi. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền huyện, sự đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh và nội lực trong nhân dân, đã đạt và vượt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm đề ra. Điều này được minh chứng rõ nét qua những đổi thay mạnh mẽ cả về diện mạo nông thôn, đô thị, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, cho đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

các mô hình trồng cây lâm nghiệp
các mô hình trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc

 Là huyện miền núi sở hữu nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, Bình Gia đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Trước đây, các mô hình trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm còn manh mún và chưa khai thác hiệu quả tiềm năng từ đất đai đồi núi. Nhưng trong những năm gần đây, hàng nghìn hecta đất đồi núi đã được "đánh thức" nhờ những cách làm mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Với sức lao động dồi dào và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, cùng sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, và sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện và xã, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã đầu tư vốn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,mô hình trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả như hồi, quế, mỡ, keo, bạch đàn, thanh long, mác mật, macca, quýt vàng đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. cụ thể như: sản lượng hoa hồi hàng năm đạt gần 3.000 tấn; sản lượng gỗ tròn khai thác các loại hàng năm đạt trên 2.500 m³...đem lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng/năm.

có tiềm năng du lịch phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các di tích lịch sử và  nền văn hóa đặc sắc

         Ngoài ra, Bình Gia còn có tiềm năng du lịch phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các di tích lịch sử và  nền văn hóa đặc sắc. Những điểm đến như hang động nguyên sinh, thác nước và bản làng dân tộc thiểu số, mới đây đã được Unesco công nhận Lạng sơn là vùng công viên địa chất toàn cầu, Bình Gia  được xác định là một trong những tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu...Đã không chỉ thu hút du khách mà còn tạo cơ hội cho người dân phát triển dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Nhãn

 

          Nét nổi bật nhất trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của huyện chính là chương trình xây dựng nông thôn mới. Với nhiều giải pháp linh hoạt và sáng tạo, chương trình đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Đến năm 2024, huyện đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

hợp tác xã, tổ hợp tác

 

          Phát huy tiềm năng và thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, Bình Gia đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Đến nay, huyện đã có 70 doanh nghiệp, 25 hợp tác xã, 60 tổ hợp tác và 3.050 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động với tổng vốn lưu động trên 1 nghìn tỷ đồng. Kết quả, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp liên tục tăng lên qua các năm; từ mức 73 tỷ đồng năm 2020, con số này đã đạt trên 93 tỷ đồng vào năm 2024. Đồng thời, nhiều sản phẩm của các hợp tác xã và tổ hợp tác đã được công nhận là sản phẩm OCOP, với 18 sản phẩm được phân hạng và công nhận trong giai đoạn 2020 - 2025.

Nhãn

 

Một minh chứng rõ nét cho sự phát triển của Bình Gia chính là sự nâng cấp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Trong giai đoạn 2020 - 2025, toàn huyện đã triển khai 251 dự án, ưu tiên cho các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện và nước sinh hoạt, cùng với việc chỉnh trang đô thị. Cụ thể, huyện đã thực hiện 110 công trình đường giao thông, 66 công trình trường học, 19 công trình nhà văn hóa và các phòng chức năng tại nhà văn hóa xã, 44 nhà văn hóa thôn, 5 trạm y tế xã, 8 công trình cấp điện nông thôn, 12 công trình thủy lợi, 7 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 2 trụ sở UBND xã và 4 công trình cải tạo, sửa chữa chợ các xã. Đến năm 2025, tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%, Các dự án đầu tư hạ tầng đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện

 

          Công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thế hệ tương lai và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng giáo dục được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện cho việc cải tiến chất lượng dạy và học một cách thực chất và bền vững. Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ học sinh học đúng độ tuổi đạt 98,77%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THCS đạt 100%, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,3%. Tất cả 19 xã, thị trấn đã nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, Trung học cơ sở mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2. Dự kiến, đến hết năm 2025, toàn huyện sẽ có 26/58 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 10 trường so với năm 2020. Mạng lưới trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

          Hệ thống y tế của huyện đã được củng cố và phát triển mạnh mẽ, từ cấp huyện đến cơ sở, với sự đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế nhằm phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đội ngũ cán bộ y tế, bác sĩ thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã có nhiều khởi sắc, đồng thời công tác giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, cũng như chính sách hỗ trợ người có công và các nhóm yếu thế, đã đạt được những kết quả quan trọng. Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, giúp cải thiện chất lượng đời sống người dân, với tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 5,55% mỗi năm.

Trong phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”

 

          Trong phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, và theo Nghị quyết số 188 ngày 25/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, những kết quả ban đầu đã được ghi nhận: đã hoàn thành xây dựng mới 156 nhà và sửa chữa 105 nhà. Công tác chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát và triển khai xây dựng, tiếp tục được Huyện ủy, UBND và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch đề ra.

          Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, gắn liền với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo và điều hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tiếp tục được củng cố, tinh gọn và hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, Đảng bộ huyện đã có 53 tổ chức cơ sở đảng, trong đó gồm 21 đảng bộ cơ sở và 32 chi bộ cơ sở, với 246 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và 5.253 đảng viên. Việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng đã góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. An ninh quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

          Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân trên địa bàn huyện luôn đoàn kết, nỗ lực, thống nhất trong hành động, quyết tâm xây dựng Bình Gia ngày càng giàu đẹp.

          Kỷ niệm 80 năm Ngày giải phóng Bình Gia hôm nay, chúng ta có dịp ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc và tri ân sâu sắc những hy sinh, cống hiến vĩ đại của các thế hệ cha ông. Đây là thời điểm để cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Bình Gia khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung sức xây dựng quê hương ngày càng thịnh vượng. Chúng ta hãy đồng lòng, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước, nhằm đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ!

T/h: Nguyễn Thắng-Thu Hằng- TTVH,TT&TT


Tác giả: T/h: Nguyễn Thắng-Thu Hằng- TTVH,TT&TT
Nguồn:T/h: Nguyễn Thắng-Thu Hằng- TTVH,TT&TT Sao chép liên kết

Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online: 0
Hôm nay: 30
Trong tháng: 1.889
Tất cả: 110.430