A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thạch đen - Cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại xã Hoa Thám

           Những năm gần đây, cây Thạch đen đã trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại một số địa phương trên bàn huyện Bình Gia. Trong đó, xã Hoa Thám là một trong số ít địa phương có diện tích trồng Thạch đen lớn nhất huyện, thu nhập từ cây thạch đen đã góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn xã.

          Nhận thấy cây Thạch đen phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Hoa Thám đã lựa chọn cây thạch đen là hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo, được xã Hoa Thám lựa chọn là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Bà Lương Thị Yến phấn khởi nói: Từ năm 2014, gia đình đã tận dụng diện tích đất đồi trồng cây Quế để trồng xen canh Thạch đen, mỗi năm thu hoạch được khoảng 1 tấn Thạch khô. Hiện nay, với giá bán dao động khoảng trên dưới 30.000 đồng/ kg, gia đình bà thu nhập được khoảng 30-35 triệu đồng/năm, thậm chí có năm giá thạch nương cao hơn, gia đình bà thu nhập được từ 45-50 triệu đồng/ năm.

 

Thach Den Hoa Tham 2222.mp4.Still006.jpg

 

          Khác với gia đình bà Yến, gia đình chị Lý Thị Gái, thôn Tân Lập, chủ yếu trồng cây thạch trên đất ruộng, vì sản lượng sẽ cao hơn khi trồng trên đồi, trên nương. Cây thạch sau khi được thu hoạch sẽ được phơi ngay tại ruộng, đợi đến khi cây đã khô và ngả sang màu đen mới được thu về nhà. Thương lái sẽ đến tận nhà để thu mua thạch. Chị Lý Thị Gái chia sẻ: Năm nay, gia đình chị trồng được 3 sào ruộng, thu hoạch được gần 1 tấn thạch, cộng với việc bán giống cây thạch từ đầu mùa, ước trong năm nay gia đình chị sẽ thu nhập được khoảng 30-40 triệu đồng/năm.

 

Thach Den Hoa Tham 2222.mp4.Still002.jpg

 

         Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hoa Thám chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thạch đen để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bà Hoàng Thị Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoa Thám cho biết thêm: Thời gian qua, Hội Phụ nữ và các hội đoàn thể xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân vốn vay ưu đãi cho các hộ sản xuất.

 

Thach Den Hoa Tham 2222.mp4.Still004.jpg

 

          Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích cây thạch đen của xã Hoa Thám đạt trên 137 ha, năng suất cây thạch đen trồng trên ruộng đạt 50 tạ/ha, sản lượng đạt trên 279 tấn, thạch nương năng suất đạt 32 tạ/ha, sản lượng đạt 261 tấn, tổng sản lượng cây thạch đen đạt trên 540 tấn. Hiện nay, số thạch trồng ở ruộng đã được thu hoạch xong, còn lại một số diện tích thạch trồng trên nương đang tiếp tục được bà con nhân dân khẩn trương thu hoạch. Cho đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 6 tổ hợp tác trồng thạch đen tại các thôn Tân Hoa, Bằng Giang, Đội Cấn I, Đội Cấn II, Vĩnh Quang với 9 Mã vùng trồng, tổng diện tích trên 26 ha với 130 hộ tham gia. Ông Nông Ngọc Nghinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: Thực hiện theo chỉ tiêu trồng thạch đen trong năm 2020 do cấp trên giao, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân đã đưa vào Nghị quyết xã. UBND xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thạch đen. Việc phát triển cây thạch đen trên địa bàn xã hiện nay, tuy chưa tạo ra được bước đột phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế, chưa xây dựng được mô hình kinh tế có quy mô lớn, nhưng bước đầu đã tạo ra tiền đề cho người dân trong xã có ý thực vươn lên để phát triển, nâng cao thu nhập gia đình, biết khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để làm giàu chính đáng

          Tin tưởng rằng, với chủ trương của Đảng ủy, UBND xã Hoa Thám về định hướng phát triển cây thạch đen tại địa phương, được các ngành, các cấp quan tâm, hỗ trợ trong việc hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện việc cấp mã vùng cây thạch đen,  liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Để cây Thạch đen không chỉ là cây trồng xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương./.

Diệu Hiền-Nông Đảm-Trung tâm VH,TT&TT

 


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 0
Hôm nay : 68
Trong tháng : 8.534
Tất cả : 58.655